
Ảnh: Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương phát biểu tại buổi tọa đàm
Thời gian qua, công tác CCHC được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, có sự tập trung phối hợp đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác CCHC tại địa phương. Từ năm 2005 đến nay, cấp huyện và xã đã giải quyết gần 336.000 thủ tục hành chính (TTHC), đa số đúng và trước hạn, chỉ hơn 20 trường hợp – chủ yếu là lĩnh vực Tài nguyên môi trường và LĐTBXH trễ hạn. Huyện triển khai ứng dụng phần mềm I-Office đến các phòng, ban, ngành huyện và các xã, thị trấn, qua đó, tạo điều kiện trong trao đổi thông tin công việc kịp thời, chất lượng, hiệu quả hơn. Qua đánh giá chỉ số CCHC của tỉnh, huyện có sự chuyển biến tích cực. Từ vị trí thứ 8 năm 2015 được nâng lên thứ 3 trong các huyện, thành phố ở năm 2016. Riêng chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền xếp thứ nhất trong tỉnh…
Tuy nhiên, công tác CCHC của huyện vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là trong chỉ đạo, điều hành CCHC, cấp ủy, chính quyền một vài nơi chưa quyết liệt. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận một cửa cấp xã và một số ngành huyện trách nhiệm chưa cao, thiếu hướng dẫn tận tình, có trường hợp để người dân đi lại nhiều lần. Việc giải quyết chính sách người có công còn để xảy ra tình trạng thất lạc hồ sơ, gây bức xúc cho người dân. Sự thiếu ân cần của nhân viên y tế trong chăm sóc người bệnh, sự phối hợp chưa chặt chẻ, đùn đẩy trách nhiệm trong in và cấp phát BHYT cho người dân giữa các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã…
Ảnh: Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại tọa đàm, nhiều tham luận, thảo luận của ngành, xã, thị trấn tập trung chỉ ra những tồn tại, khó khăn xoay quanh công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, nâng cao hiệu quả, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; quy tắc ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh; cải tiến chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… Đại biểu đề xuất trong tuyển dụng cán bộ phụ trách bộ phận một cửa, ngoài vấn đề chuyên môn, cần chú ý đến kỹ năng giao tiếp của đối tượng tuyển dụng; ngành ngân hàng cần siết chặt vấn đề bán bảo hiểm tín dụng của nhân viên cho người vay vốn ngân hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đầu tư hệ thống camera quan sát tại bộ phận một cửa cấp xã…

Ảnh: Đại diện lãnh đạo BHXH huyện tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú đề nghị thời gian tới, người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC, gây phiền hà, bức xúc trong nhân dân, nhất là trong các lĩnh vực tài nguyên – môi trường, y tế, ngân hàng… Tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá công tác CCHC của các ngành và UBND cấp xã, qua đó kịp thời tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC. Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong CCHC đúng theo quy trình, thủ tục, xem đây là tiêu chí xét thi đua từng năm của tập thể, cá nhân. Trang bị đầy đủ máy vi tính cho những nơi còn thiếu, đáp ứng nhu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Các ngành và UBND cấp xã rà soát, đánh giá toàn bộ công tác CCHC từ con người, cơ sở vật chất đến quy trình thủ tục liên quan để định hướng xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng công tác CCHC trên địa bàn huyện…/.